VĂN HÓA - XÃ HỘI VĂN HÓA - XÃ HỘI

BÌNH ĐẲNG GIỚI TỪ CHÍNH SÁCH BẢO HIỂM XÃ HỘI
Ngày đăng 20/05/2022 | 09:30  | Lượt xem: 295

Dân số là nữ cũng như lực lượng lao động trong độ tuổi là nữ ở nước ta cơ bản ngang bằng với nam giới, song việc tiếp cận chính sách bảo hiểm xã hội của nữ giới còn khoảng cách khá xa so với nam giới. Thực trạng này đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết trong quá trình thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới và bảo đảm an sinh xã hội.

 

Tuyên truyền về bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người lao động tại huyện Chương Mỹ.

Chênh lệch trong hưởng lương hưu

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 20,5% dân số từ 65 tuổi trở lên đang hưởng lương hưu. Những năm gần đây, chính sách bảo hiểm xã hội được thiết kế ngày càng linh hoạt, nên số lao động nữ hưởng lương hưu tăng dần, với tỷ lệ chiếm khoảng 45% tổng số người được giải quyết chế độ hưu trí... Tuy nhiên, hiện chỉ có khoảng 16% tổng số nữ giới trên 65 tuổi được hưởng chế độ hưu trí, trong khi con số này ở nam giới là 27,3%. Điều đáng nói, với nhóm người từ 80 tuổi trở lên, tỷ lệ này càng chênh lệch, lần lượt nữ giới khoảng 6,9% và nam giới 25,9%. Chưa kể, mức hưởng lương hưu cũng có sự chênh lệch, khi bình quân của nam giới là hơn 5,76 triệu đồng/người/tháng, còn nữ giới là 4,68 triệu đồng/ người/tháng...

Với những người không có lương hưu, đời sống càng khó khăn hơn khi về già. Bà Nguyễn Thị Tịnh (69 tuổi), bán hàng tại chợ Long Biên (Hà Nội) chia sẻ: “Tôi bị đau nhức xương khớp, lại không có lương hưu nên vẫn phải tranh thủ đi bán hàng kiếm đồng ra đồng vào để không trở thành gánh nặng của con, cháu”.

Khoảng cách về giới đối với nhóm người hưởng chế độ hưu trí tồn tại do nhiều nguyên nhân. Theo quy định của pháp luật, lao động nữ nghỉ hưu ở độ tuổi sớm hơn so với nam, nên số năm bình quân đóng bảo hiểm xã hội thấp hơn (cụ thể, nữ giới là 27,4 năm ở khu vực tư nhân và 31 năm trong khu vực nhà nước; còn nam giới lần lượt là 31,8 năm và 34,8 năm). Hơn nữa, chính sách bảo hiểm xã hội ở giai đoạn trước chưa mở rộng đến nhóm người làm công việc tự do, khiến nhiều người lao động khó tiếp cận chính sách, nhất là với lao động nữ…

“Chế độ hưu trí tuân theo nguyên tắc đóng - hưởng, đóng càng cao, trong thời gian dài thì mức hưởng cao và ngược lại. Vì thế, không khó để lý giải vì sao lao động nữ nhận chế độ hưu trí thấp hơn so với nam giới. Tuy nhiên, đây là vấn đề xã hội cần được quan tâm giải quyết”, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi đề xuất.

Lao động nữ tại Tổng công ty May 10 - CTCP (quận Long Biên) được tiếp cận đầy đủ các chính sách an sinh xã hội. Ảnh: Minh Vũ

Nhiều giải pháp rút ngắn khoảng cách

Trên thực tế, hiện các bên liên quan đã, đang chú trọng bảo đảm việc làm cho lao động nữ, tạo điều kiện cho họ có thu nhập để có thể tham gia bảo hiểm xã hội. Viện trưởng Viện Khoa học lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Bùi Tôn Hiến cho biết, tỷ lệ nữ tham gia lao động xã hội liên tục tăng, hiện chiếm hơn 60% tổng số người trong độ tuổi lao động, cao hơn so với nhiều quốc gia (toàn cầu chiếm gần 50%).

Đặc biệt, càng ở những địa bàn tập trung đông lao động, các cơ quan chức năng càng triển khai nhiều giải pháp, nhằm bảo đảm việc làm, an sinh cho lao động nữ. Chẳng hạn tại Hà Nội, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bạch Liên Hương cho biết, trong quá trình hỗ trợ phục hồi thị trường lao động sau dịch Covid-19, nhóm lao động nữ là đối tượng được ưu tiên hỗ trợ đào tạo để chuyển đổi nghề nghiệp hoặc nâng cao trình độ, chuyên môn. Với những trường hợp nuôi con nhỏ bị ảnh hưởng về việc làm do dịch Covid-19 hoặc có hoàn cảnh khó khăn, họ được ưu tiên thụ hưởng các chính sách an sinh, hỗ trợ sinh kế…

Thực hiện trách nhiệm xã hội, nhiều đơn vị, doanh nghiệp cũng quan tâm bảo đảm việc làm, đời sống cho lao động nữ. Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam (huyện Gia Lâm, Hà Nội) Ngô Ngọc Vinh cho hay, ngoài các chế độ, chính sách theo quy định, lao động nữ tại doanh nghiệp còn nhận được sự quan tâm về nhiều mặt. Nhờ đó, doanh nghiệp có được lực lượng lao động tương đối ổn định, tham gia bảo hiểm xã hội lâu dài.

Ngoài những nỗ lực của cơ quan chức năng và các doanh nghiệp, dưới góc độ chính sách, Bộ luật Lao động năm 2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021 đã điều chỉnh độ tuổi nghỉ hưu theo hướng rút ngắn khoảng cách giữa nam và nữ. Điều này đồng nghĩa, lao động nữ có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu gần hơn so với nam giới. Ngoài ra, chính sách bảo hiểm xã hội mở rộng đến nhóm lao động làm công việc tự do, tạo điều kiện cho nhiều người tham gia theo hình thức tự nguyện. Việc rút ngắn số năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu, từ 20 năm hiện nay xuống còn 15 năm, tiến tới 10 năm cũng được các cơ quan chức năng quan tâm trong quá trình nghiên cứu sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội...

“Chính sách được điều chỉnh phù hợp thực tiễn là yếu tố nền tảng để các bên liên quan mở rộng đối tượng, nâng cao tỷ lệ nữ giới được tiếp cận với các chính sách an sinh nói chung, hưu trí nói riêng”, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh.

Nguồn: hanoimoi.com.vn